Kết thúc năm 2012, ngành Du lịch đã đón và phục vụ 6,847 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11%; 32,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 8%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2011.
Năm 2012, mặc dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới cũng như trong nước nhưng dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ VHTTDL,
Du lịch Việt Nam đã tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2011, huy động hiệu quả các nguồn lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng. Kết quả hoạt động của ngành Du lịch trong năm 2012 đã được Đảng và Chính phủ đánh giá là điểm sáng về kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, có tác động trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu của ngành.
Phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Festival Huế 2012
Đến cuối năm 2012, Việt Nam đã có 1120 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 11.840 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có 4.809 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và 7.031 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn cả nước ước tính là 13.500 với 285.000 buồng, trong đó: 57 khách sạn 5 sao; 147 khách sạn 4 sao; 335 khách sạn 3 sao.
Năm 2012 các địa phương như Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa được đánh giá là điểm sáng của du lịch Việt Nam, bứt phá trở thành các điểm du lịch quan trọng của khu vực Trung bộ và cả nước.
Nhiều khu du lịch, resort, khách sạn mới được khởi công hoặc hoàn thành đưa vào phục vụ du lịch đã góp phần đáng kể vào vào việc tăng cường năng lực, điều kiện cho ngành, tạo ra được sự bứt phá hiệu quả về mô hình tổ chức kinh doanh, trở thành điểm sáng của ngành.
Có được kết quả như vậy, toàn ngành Du lịch đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ nhiều giải pháp, cả ở công tác hoàn thiện thể chế chính sách, công tác quản lý nhà nước, quảng bá xúc tiến, liên kết phối hợp các địa phương và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ… Năm 2012, các hoạt động quảng bá, xúc tiến Du lịch Việt Nam được triển khai mạnh mẽ gắn với logo và slogan mới như tại các hội chợ du lịch quốc tế Travex 2012 tại Indonesia, MITT tại Nga, ITB tại Đức, TTM+2012 tại Thái Lan; JATA tại Nhật Bản, CITM tại Trung Quốc, WTM tại Anh…
Việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và tổ chức phát động thị trường tại một số thị trường quan trọng của Du lịch Việt Nam trong năm qua đã góp phần không nhỏ thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ở trong nước, năm 2012 cũng ghi nhận nhiều sự kiện nổi bật góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa như: các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ – Huế 2012; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE – HCMC 2012; Lễ đón bằng công nhận Hạ Long là Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới mới tại Quảng Ninh;
Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Dù bay Quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam; Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ nhất – Bình Thuận 2012; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 8 tại Tuyên Quang… Trong năm 2012, ngành Du lịch tiếp tục coi trọng việc hợp tác quốc tế cả phương diện song phương và đa phương với mục tiêu tranh thủ hợp tác, kinh nghiệm, hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam.
Hợp tác song phương trong năm 2012 tập trung chủ yếu vào một số thị trường gần, có khả năng tăng trưởng lượng khách như Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Về hợp tác đa phương, các hoạt động hợp tác chủ yếu tập trung với các nước trong khối ASEAN, trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Du lịch còn một số tồn tại, hạn chế như việc quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch ở các địa phương chưa được thắt chặt; tình trạng lừa đảo, ép khách, cướp giật… tại những địa bàn du lịch trọng điểm là những vấn nạn kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý du khách và hình ảnh Du lịch Việt Nam; sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và các địa phương chưa chặt chẽ nên sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ thấp ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, chất lượng cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều địa phương chưa được củng cố, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương còn mang tính hình thức…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của năm 2012, năm 2013 Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 5,15% so với năm 2012; phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,69%; tổng thu từ khách du lịch đạt 190 nghìn tỷ đồng, tăng 18,75%. Với mục đích đó, Du lịch Việt Nam xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 gồm: Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, triển khai các đề án quy hoạch vùng, khu du lịch khác theo Quy hoạch tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi được phê duyệt; tiếp tục triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê du lịch; đẩy mạnh hoạt động E-marketing du lịch và xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam gắn với logo và slogan mới; triển khai các Đề án thu hút khách du lịch từ 8 thị trường du lịch trọng điểm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Úc, Pháp, Nga; đầu tư khai thác phát triển du lịch vịnh Hạ Long và một số điểm đến nổi bật khác đảm bảo tính bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao; tạo dựng hình ảnh du lịch di sản Việt Nam, gắn với vịnh Hạ Long…
Với thành tựu đạt được năm 2012 chúng ta cùng kỳ vọng năm 2013 Du lịch Việt Nam sẽ có bước tiến mới mạnh mẽ là bản lề cho Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả.